Cách tối ưu nguồn cấp dữ liệu cho Smart Shopping
Để thuần thục Smartshopping là một quá trình đòi hỏi chúng ta có sự kiên trì và có độ hiểu biết nhất định. Và một trong những điểm quan trọng cần lưu ý trong Smart Shopping đó chính là tối ưu nguồn cấp dữ liệu. Trong bài viết này , OMNIS sẽ hướng dẫn bạn cách tối ưu nguồn cấp dữ liệu cho Smart Shopping một cách nhanh chóng và đơn giản.
Tối ưu nguồn cấp dữ liệu cho Google Smart Shopping
Nguồn cấp dữ liệu chính là công cụ để bạn giao tiếp với hệ thống máy học tự động của Google. Như đã từng đề cập ở những bài trước, Product Feed giúp bạn khai báo tên, loại, hình ảnh sản phẩm, giá bán của chúng và những chính sách của bạn dành cho sản phẩm đó, ví dụ như khuyến mãi, giảm giá. Bài này sẽ liệt kê cho bạn đủ 10 cách để có thể tối ưu hóa nguồn cấp dữ liệu sao cho đem lại hiệu quả cho chiến dịch quảng cáo. Lưu ý những mẹo này không chỉ dành cho Smart Shopping mà còn có thể áp dụng cho các quảng cáo khác như Shopping tiêu chuẩn.
- Cung cấp đầy đủ cột thông tin bắt buộc trong nguồn cấp dữ liệu
Ở những bài trước, nguồn cấp dữ liệu không phải được tải trực tiếp lên quảng cáo Smart Shopping mà là tải lên Google Merchant Center.
Nếu sản phẩm của bạn không được phê duyệt trong Google Merchant Center, thì chắc chắn rằng bạn sẽ không thể quảng cáo trên sản phẩm đó. Vì vậy phải đảm bảo các mục bắt buộc được cung cấp đầy đủ trong nguồn cấp dữ liệu. Mục bắt buộc này có thể thay đổi tùy loại sản phẩm, tùy theo chiến lược của bạn. Nhưng có những mục gần như ai cũng phải cung cấp cho sản phẩm của mình, nếu không cung cấp sẽ không được duyệt. Ví dụ như nhãn hiệu. Tất nhiên bạn không thể nào bán sản phẩm mà không có nhãn hiệu. Khách hàng sẽ không bao giờ mua từ những người bán không có tên tuổi rõ ràng. Sau đó là các mục như tên sản phẩm, giá bán, hình ảnh là bạn buộc phải khai báo trên Google Merchant Center.
Google cũng đề xuất cho bạn những mục có thể cần phải khai báo. Nhưng điều này không bắt buộc.
Google đề xuất những mục có thể cần phải khai báo
- Gửi càng nhiều thông tin càng tốt
Việc cần cung cấp dữ liệu đầy đủ và chi tiết cho Google Smart Shopping giúp quảng cáo hoạt động chính xác. Nó không chỉ cần các dữ liệu dạng như cụm từ tìm kiếm. Máy học còn cần các thông tin dạng như ngữ cảnh của đối tượng, hành vi của đối tượng mục tiêu. Và những thứ đó phải khớp với nguồn cấp dữ liệu của bạn thì sản phẩm mới xuất hiện chính xác.
Càng cung cấp nhiều dữ liệu càng tốt. Ví dụ như khi bán quần áo, bạn còn phải cung cấp thêm những thông tin về chất liệu, màu sắc, kích cỡ. Những điều này rất quan trọng để cung cấp cho Google thông tin bổ sung về ngữ cảnh.
Nếu một người đang tìm kiếm một máy xay cafe màu trắng thì họ cần chính xác màu. Nếu quảng cáo một chiếc máy xay cafe dù đúng loại nhưng lại màu đen thì quảng cáo đó vẫn không bán được hàng. Khi bạn cung cấp thêm thông tin về màu sắc, Google sẽ học được, tích hợp nó vào thuật toán để hiển thị tới đúng người có nhu cầu chính xác màu đó. Nó gọi là thông tin về ngữ cảnh.
Trong Google Merchant Center bạn hoàn toàn có thể thêm thông tin về ngữ cảnh vào sản phẩm. Nó được đặt sau tiêu đề sản phẩm. Ví dụ tiêu đề của bạn là “Máy xay café”, thì bạn có thể thêm vào đằng sau đó từ “màu trắng” trong Merchant Center với tính năng “Quy tắc nguồn cấp dữ liệu”.
Quy tắc nguồn cấp dữ liệu
- Cập nhật loại sản phẩm
Cần phải nhóm những sản phẩm lại với nhau nhằm mục đích thông tin cho Google mục tiêu của chúng ta. Ví dụ bạn có một nhóm các loại giày thương hiệu Nike trên nguồn cấp dữ liệu, giống như bạn nói rằng: “Này Google tôi muốn quảng cáo đến những người thích giày Nike”.
Đừng để thuật toán tự động của Google phân loại. Nó sẽ làm cho các nhóm sản phẩm của bạn trở nên hỗn độn. Chúng sắp xếp một cách ngẫu nhiên và đôi lúc ta không thể hiểu tiêu chí sắp xếp đó là gì.
Vì thế bạn phải tự phân loại sản phẩm ngay trong nguồn cấp dữ liệu để upload lên Merchant Center. Nó giúp phát đi một tín hiệu về ngữ cảnh đến Google, về cách mà các sản phẩm trong nhóm liên quan với nhau. Đó có thể là nhóm về thương hiệu, nhóm về kích cỡ, về giới tính đối tượng.
Thông thường, với mỗi loại sản phẩm nên cần tạo ít nhất 3 tầng phân cấp khác nhau. Hãy lấy ví dụ về áo khoác. Trong danh mục “áo khoác” bạn phân ra các danh mục con khác, bao gồm áo khoác nam và áo khoác nữ. Trong mỗi danh mục con đó có thể chia ra áo khoác mùa hè, áo khoác mùa đông, áo khoác mùa mưa,… Như vậy chúng ta đang cung cấp cho Google nhiều tín hiệu nhất có thể.
Và khi đã có một cấu trúc phân cấp danh mục sản phẩm hợp lý, nó sẽ rất tốt để Google hướng đến đúng người quan tâm. Bởi vì loại sản phẩm phản ánh sở thích của con người. Những chiếc áo khoác của nam sẽ hiện ra trước những đối tượng là nam chứ không phải đối tượng nữ. Những người đang muốn mua áo khoác mùa đông thì sẽ bắt gặp những quảng cáo áo khoác mùa đông chứ không phải áo khoác mùa hè. Khách hàng không đơn giản chỉ tìm kiếm 1 thứ chung chung. Họ đi vào sâu, đi vào cụ thể đặc tính của sản phẩm. Và chính sự phân loại sẽ cung cấp thông tin rõ ràng nhất về đặc tính sản phẩm đó.
- Tối ưu hình ảnh sản phẩm
Hình ảnh sản phẩm là yếu tố vô cùng quan trọng trong quảng cáo. Đó là thứ khách hàng nhìn vào đầu tiên, và nó quyết định rất lớn đến khả năng mua hàng của họ. Ở bài này chúng ta tìm hiểu sâu về khung cảnh, đối tượng của bức ảnh.
Trước tiên, phải tích hợp thương hiệu của bạn vào hình ảnh. Đó không chỉ là logo mà còn là các yếu tố khác như màu sắc chẳng hạn. Màu sắc ảnh phải tương đồng với màu sắc logo và thương hiệu. Nó khiến cho sản phẩm và thương hiệu của bạn dễ được nhận diện hơn. Bởi Smart Shopping sử dụng nhiều đến các thuật toán remarketing. Do đó sản phẩm của bạn sẽ xuất hiện liên tục ở khắp mọi nơi mà khách hàng ghé qua, từ Google tìm kiếm, Youtube, Mạng hiển thị của Google,… trong vô vàn sản phẩm, khách hàng sẽ nhìn thấy màu sắc quen thuộc của bạn và nhận ra ngay là bạn.
Tiếp theo, hãy suy nghĩ thêm về bối cảnh của hình ảnh. Ví dụ, khi bạn đang bán một chiếc ghế ngủ cho thú cưng, đừng chỉ up lên một hình ảnh về mỗi chiếc ghế ngủ đó. Bạn có thể đưa hình một chú chó nhỏ đang nằm trên chiếc ghế ấy. Hoặc là bạn có thể thêm hình ảnh 1 chú mèo nữa. Như vậy bạn sẽ cho khách hàng thấy rằng không chỉ chó mà mèo cũng có thể dùng được chiếc ghế này. Sản phẩm với nhiều công năng hơn sẽ dễ bán được hơn.
Bạn cũng có thể tạo thêm một không gian cho bức ảnh. Thuật ngữ chuyên môn được gọi là tạo phong cách sống (Lifestyle) cho bức ảnh. Ví dụ thay vì up hình ảnh ghế ngủ với 1 chú chó trên nền trắng, bạn có thể cho chiếc ghế đó vào một không gian như căn bếp chẳng hạn. Hình ảnh chú chó nằm trên ghế ngủ trong căn bếp giúp hình ảnh thêm sinh động, đồng thời cũng gợi ý cho khách hàng nơi có thể sử dụng sản phẩm của bạn. Nó mang đến thông tin hoàn toàn thuyết phục cho khách hàng.
- Tối ưu mô tả sản phẩm
Mẹo thứ 5 chính là hãy quan tâm đến phần mô tả sản phẩm. Lời khuyên cho bạn là hãy điền đầy đủ nội dung ở phần mô tả đó, dùng hết số lượng ký tự mà Google cho phép.
Tuy nhiên một điều lưu ý là bạn phải tuyệt đối tuân thủ chính sách của Google khi viết mô tả. Thứ nhất theo quy định của Google, sản phẩm hiển thị trên quảng cáo của Smart shopping chỉ có 4 dòng đầu tiên của phần mô tả. Vì thế nhiều người cố gắng nhồi nhét thật nhiều từ khóa vào để dễ xuất hiện nhất trước khách hàng. Tuy nhiên bạn không nên làm điều này. Bởi việc nhồi nhét sẽ khiến mô tả của bạn thiếu tự nhiên, không cung cấp thông tin hữu ích cho người đọc. Vì thế nó dễ bị Google lưu ý là spam và bị gỡ quảng cáo.
Điều thứ hai đó là phần mô tả phải tập trung vào thông số và tính năng của sản phẩm. Vì Google thường chỉ hiện thị 4 dòng đầu khi quảng cáo nên nhiều người cố gắng đưa vào các thông tin như: “giảm giá 25%”, “sale sập sàn ngày Black Friday”, “mua 1 tặng 1”, “giao hàng miễn phí”… Đó không phải là những thông tin hữu ích về tính năng sản phẩm. Khi Google phát hiện ra thì có khả năng cao quảng cáo của bạn sẽ bị gỡ khỏi các nền tảng của họ. Hãy tập trung viết những thông tin liên quan trực tiếp đến sản phẩm như tính năng, thông số, màu sắc, chất lượng,… Đó là những điều người xem thực sự quan tâm về sản phẩm của bạn.
- Thêm phần đánh giá và xếp hạng sản phẩm
Không chỉ mỗi quảng cáo Smart Shopping mà dù ở kênh tiếp thị nào thì người dùng cũng có xu hướng mua những sản phẩm có nhiều đánh giá, xếp hạng. Điều đó cho thấy sản phẩm được nhiều người mua và quan tâm, phần nào khẳng định được thương hiệu người bán. Đánh giá càng cao (4-5 sao) thì sản phẩm càng dễ có được lòng tin của khách hàng tiềm năng.
Xếp hạng sản phẩm
Việc tích hợp những đánh giá và xếp hạng sản phẩm cần tuân thủ những chính sách của Google. Bạn cần rất cẩn trọng vì nếu làm sai bạn sẽ bị gỡ quảng cáo, thậm chí là xóa tài khoản. Các bài đánh giá, review cần được thực hiện khách quan và cần cập nhật các bài đánh giá 1 tháng 1 lần. Và bạn cũng cần kiểm tra nội dung đánh giá và hình ảnh được đánh giá từ người dùng để đảm bảo không vi phạm chính sách Google trước khi gửi nội dung này lên Google Merchant Center.
Có 3 cách để tải những xếp hạng, đánh giá lên Google Merchant Center:
Thứ nhất là bạn tự tạo ra bảng đánh giá, xếp hạng theo biểu mẫu của Google cung cấp và tải lên nguồn cấp dữ liệu của Merchant Center. Lưu ý: Chương trình xếp hạng sản phẩm yêu cầu bạn phải có ít nhất 50 bài đánh giá cho tất cả các sản phẩm của mình.
Chương trình xếp hạng Google
Tham khảo mẫu XML của Google:
https://developers.google.com/product-review-feeds/sample
Thứ hai là bạn sử dụng trình tổng hợp của 1 bên thứ ba được Google chấp thuận (Rất tiếc trong danh sách này không có dịch vụ nào của nhà phát triển Việt Nam).
Bạn sử dụng trình tổng hợp của 1 bên thứ ba
Thứ ba để tải lên những đánh giá đó là sử dụng đánh giá của khách hàng Google (Google Customer Review). Đây là một dịch vụ miễn phí mà Google cung cấp. Bạn có thể thêm nó vào trang web của mình. Với dịch vụ này Google sẽ hỏi mọi người xem có muốn đánh giá sản phẩm của bạn hay không. Nếu họ đánh giá, Google sẽ đưa nó vào xếp hạng của bạn cũng như tích hợp vào trong Google Merchant Center.
So sánh Ưu và Nhược giữa 3 cách:
So sánh ưu nhược điểm giữa các phương pháp
Trước khi kết thúc phần này, bạn cần lưu ý rằng, việc tự tải đánh giá và xếp hạng sản phẩm yêu cầu 1 file lập trình bằng XML đúng mẫu chuẩn của Google, và nội dung cần tuân thủ chính sách của Google. Google có cung cấp tính năng Chẩn đoán đánh giá sản phẩm trong Merchant Center, tại đây bạn có thể xem được tình trạng các bài đánh giá, để biết được bài nào được duyệt, bài nào báo lỗi. Bạn có thể xem hướng dẫn tại link:
https://support.google.com/merchants/answer/6380081?hl=vi
Lỗi thường gặp thông thường là không khớp dữ liệu. Vì vậy, khi tải file XML, chúng ta cần đảm bảo các thông tin chính xác với nhau, cụ thể là mã GTIN, SKU, URL của sản phẩm phải khớp với nguồn cấp dữ liệu và phải khớp với nguồn cấp dữ liệu xếp hạng.
Nếu bạn không cẩn thận thì sẽ xảy ra tình trạng: nguồn dữ liệu xếp hạng là của sản phẩm A nhưng lại gắn nhầm sang sản phẩm B.
Google dùng các mã nhận dạng sản phẩm duy nhất (GTIN - Global Trade Item Number) để so khớp dữ liệu. GTIN là một dãy số ngay bên dưới mã vạch của sản phẩm. Mã số sản phẩm thương mại toàn cầu (GTIN) là giá trị nhận dạng duy nhất và được quốc tế công nhận cho một sản phẩm. Mã SKU - Stock Keeping Unit trên sản phẩm chính là mã hàng hóa để giúp cho việc phân loại hàng hóa trong kho được chi tiết hơn, ví dụ như phân loại theo kiểu dáng, ngày sản xuất, kích thước,…
Hãy kiểm tra GTIN và SKU của sản phẩm trên nguồn cấp dữ liệu đánh giá xem có trùng khớp với mã GTIN và SKU trên nguồn cấp dữ liệu sản phẩm hay không. Đó là cách chính xác nhất để giúp cho sản phẩm của bạn nhận được đúng những đánh giá, xếp hạng của nó. Công việc này sẽ cực kỳ mất thời gian, nhưng nó sẽ rất xứng đáng.
Bởi vì sản phẩm đúng review, đúng xếp hạng sẽ tạo được niềm tin nơi khách hàng và khả năng chốt đơn hàng cao hơn.
Bạn có thể xem hướng dẫn tạo “Nguồn cấp dữ liệu dùng cho chương trình Điểm xếp hạng sản phẩm thông qua Merchant Center”
https://support.google.com/merchants/answer/7075701?hl=vi&ref_topic=7309501
- Các chương trình khuyến mãi
Ở phần trước Omnis có chia sẻ rằng bạn đừng đưa thông tin giảm giá, khuyến mãi vào phần mô tả. Bởi vì Google có quy hoạch vị trí hiển thị riêng cho nội dung khuyến mãi. Google Shopping sẽ hiển thị thông tin khuyến mãi là một dòng chữ nhỏ bên dưới phần giá tiền sản phẩm. Khi nhấp vào sẽ có 1 hộp thoại nhỏ (pop-up) bật lên đưa những thông tin cơ bản nhất về việc khuyến mãi.
Cần tuân thủ những quy định của Google để thực hiện khuyến mãi
Việc cung cấp thông tin khuyến mãi cũng góp phần làm nổi bật quảng cáo của bạn, vì vậy việc này cũng xứng đáng để thực hiện.
Tuy nhiên, những khuyến mãi này cần được khai báo trên Merchant Center và nó cũng phải tuân thủ những quy định của Google. Google có giới hạn một vài thể lệ đối với các chương trình khuyến mãi dành cho người bán. Ví dụ: nếu bạn lúc nào cũng cung cấp giao hàng miễn phí, bạn sẽ không thể đưa nội dung này lên. Tương tự, các sản phẩm của bạn lúc nào cũng có giảm giá, bạn cũng không đưa lên được.
Nghĩa là, các chương trình khuyến mãi chỉ hợp lệ khi bạn triển khai nó theo cách tự nhiên. Cách để bạn nhận biết liệu bạn có thể sử dụng chương trình giảm giá hợp lệ hay không là khi sản phẩm chuyển từ trang đích đến giỏ hàng, nếu giá trong giỏ hàng thay đổi tương ứng theo chương trình khuyến mãi hoặc nội dung khuyến mãi tương tự được áp dụng thì sẽ hợp lệ. Lúc này bạn có thể gửi thông tin khuyến mãi lên Merchant Center.
Gửi thông tin khuyến mãi lên Merchant Center.
Hoặc bạn có thể tải lên một loạt chương trình khuyến mãi ở mục “Nguồn cấp dữ liệu khuyến mãi (Promotion Feed) như sau:
Tải lên một loạt chương trình khuyến mãi
Việc này vô cùng tiện lợi khi bạn có thể chạy nhiều chương trình khuyến mãi cho nhiều sản phẩm cùng một lúc trong một sự kiện đặc biệt, như Black Friday, Giáng Sinh, Tết... .
Lưu ý cần liên kết mã ID của chương trình khuyến mãi với các sản phẩm áp dụng khuyến mãi. Bạn có thể chọn trong Google Shopping để thiết lập khuyến mãi cho tất cả sản phẩm hoặc chỉ áp dụng 1 loại sản phẩm hay 1 nhãn hiệu bất kỳ. Ví dụ, bạn đang muốn tất cả sản phẩm Nike giảm giá 20%, bạn có thể sử dụng sử dụng cách này.
Bạn cũng có thể làm phức tạp hơn 1 chút bằng phương pháp loại trừ, bằng cách dùng quy tắc nguồn cấp dữ liệu hoặc nguồn cấp phụ để tạo khuyến mãi cho một hoặc vài nhóm sản phẩm. Có rất nhiều cách loại trừ sản phẩm khác nhau trong chương trình khuyến mãi đó. Chúng ta sẽ thảo luận sâu về quy tắc nguồn cấp dữ liệu hoặc nguồn cấp phụ trong bài viết kế tiếp.
Thực ra nó liên quan đến việc tạo một bảng tính cho nguồn cấp dữ liệu. Thông thường chúng ta sẽ sử dụng Google Sheet để làm thao tác này. Ngoài các thông tin cơ bản như ID sản phẩm, giá tiền, ngày hiệu lực khuyến mãi thì còn có thêm 1 cột là ID khuyến mãi (Promotion ID).
Ngày hiệu lực khuyến mãi thì còn có thêm 1 cột là ID khuyến mãi
Gửi bảng này lên nguồn cấp dữ liệu của Merchant Center. Từ đó Google sẽ áp dụng khuyến mãi đến đúng sản phẩm mà bạn dự định chạy chương trình khuyến mãi.
Nên lưu ý Google rất khắt khe trong việc hiển thị các khuyến mãi này, đặc biệt là trong phần tiêu đề của khuyến mãi. Hãy cung cấp những con số %, hoặc giá tiền ưu đãi cụ thể, đừng tiếp thị một cách quá mức. Ví dụ: đừng viết kiểu “Flash sale” “Hot deal”, “Sale sập sàn”. Nó sẽ ít được Google chấp thuận. Hãy viết là: “giảm giá 25%”, “khuyến mãi 50%”.
Ngoài ra, bạn cũng có thể thiết lập chính xác giờ kết thúc khuyến mãi.
Thiết lập chính xác giờ kết thúc khuyến mãi
Vậy là bạn đã thiết lập xong chương trình khuyến mãi, cần kiểm tra xem nó có phù hợp với những chính sách của Google hay không. Sau đó là mã SKU của sản phẩm có đúng hay không.
Cần kiểm tra xem nó có phù hợp với những chính sách của Google hay không
Và bạn cần tải nguồn cấp dữ liệu khuyến mãi càng sớm càng tốt. Bởi vì sẽ có rất nhiều đối thủ cạnh tranh đang thực hiện các chương trình khuyến mãi theo những dịp đặc biệt như Black Friday chẳng hạn. Bạn gửi sớm thì Google phê duyệt khuyến mãi sớm. Và khi đó khuyến mãi của bạn sẽ nhanh đến được với khách hàng có nhu cầu trước đối thủ.
- Thêm hoặc xóa điểm đến khỏi các biến thể sản phẩm của mình
Mẹo số 8 này chỉ là một mẹo nhanh và không nhất thiết phải áp dụng cho tất cả mọi người. Nhưng nếu áp dụng được thì rất hữu ích.
Bạn có thể thêm hoặc xóa các điểm đến khỏi các biến thể sản phẩm của mình. Điểm đến ở đây chính là các kênh mà sản phẩm hiển thị. Thay đổi các điểm đích đến tức là bạn đang giao tiếp với Google rằng bạn muốn sản phẩm của mình xuất hiện như thế nào.
Các biến thể của sản phẩm có thể kể đến như cùng loại áo nhưng size, màu sắc khác nhau. Chúng được khai báo cùng nhau trên nguồn cấp dữ liệu. Nhưng đôi lúc có 1 vài trong số đó bị gặp vấn đề về vi phạm chính sách của Google và không được phê duyệt. Bạn không thể xóa những sản phẩm này riêng lẻ mà nếu muốn thì phải xóa hoặc thay đổi cả một nhóm sản phẩm.
Cách giải quyết lúc này là xóa các điểm đến dữ liệu của các biến thể sản phẩm đó trên nguồn cấp dữ liệu. Kết quả là chúng vẫn nằm trên Google Merchant Center nhưng không hề xuất hiện trên quảng cáo Google Smart Shopping.
Xóa các điểm đến dữ liệu của các biến thể sản phẩm đó trên nguồn cấp dữ liệu
- Tải lên tất cả các sản phẩm để có danh sách sản phẩm miễn phí
Có rất nhiều người đến với quảng cáo Google Smart Shopping với một nguồn ngân sách eo hẹp. Và họ chỉ dám up lên Google Merchant Center số lượng sản phẩm giới hạn để tránh bị thâm hụt tiền quảng cáo.
Thế nhưng chúng ta vẫn nên tải toàn bộ sản phẩm muốn bán lên Merchant Center. Vì khi còn ở nguồn cấp dữ liệu sản phẩm thì nó vẫn chưa trừ tiền của bạn. Bạn sẽ tạo được một danh sách sản phẩm một cách miễn phí, sau đó chỉ chọn một vài sản phẩm để chạy quảng cáo Google Shopping. Cách này giúp cho bạn dễ dàng và nhanh chóng mở rộng quy mô sản phẩm quảng cáo nếu như ngân sách dư dả hơn.
Vì vậy, hãy tải lên tất cả các sản phẩm của bạn vào Google Merchant Center, vì đó là lưu lượng truy cập hoàn toàn miễn phí. Việc làm này cũng cung cấp thêm thông tin cho Smart Shopping. Càng nhiều sản phẩm thì càng có nhiều dữ liệu có ích cho các chiến dịch quảng cáo.
Google sẽ hiển thị những sản phẩm này dưới dạng danh sách sản phẩm miễn phí và sau đó chỉ quảng cáo trên những sản phẩm mà bạn cấp ngân sách quảng cáo.
- Bán hàng trên Shopify
Shopify là nền tảng thương mại điện tử cho phép bạn tạo website bán hàng online dựa trên mô hình Cloud SaaS, ở Việt Nam có mô hình tương tự là Haravan hay Sapo. Bạn có thể dễ dàng tạo sản phẩm, quản lý hàng hóa, tạo giỏ hàng, tạo trang thanh toán,... Tuy nhiên, tính năng quan trọng và hữu ích nhất của các nền tảng này chính là khả năng đồng bộ sản phẩm lên Google để chạy quảng cáo mua sắm và smart shopping. Bạn có thể thực hiện một số thao tác để chỉnh sửa nguồn cấp dữ liệu từ ngay những nền tảng này mà không cần biết về lập trình.
Lời kết
OMNIS đã hướng dẫn cho bạn 10 cách để tối ưu hóa nguồn cấp dữ liệu dành cho Google Smart Shopping. Hy vọng bạn có thể thực hành được hết các mẹo này để giúp chiến dịch quảng cáo của bạn được thực hiện một cách hiệu quả nhất.