7 lời khuyên chọn mua tên miền phù hợp cho Website của bạn!!!
Tên miền là duy nhất nên nó cũng chính là thương hiệu cho cá nhân hay công ty của bạn, vì vậy mà việc tránh những sai lầm khi đăng ký tên miền là điều vô cùng quan trọng, nhất là trong thời buổi kinh doanh trực tuyến phát triển mạnh mẽ như hiện nay.
Hàng triệu website cùng tồn tại nghĩa là cơ hội để lựa chọn một tên miền phù hợp với bạn ngày càng ít đi. Nhiều người đã quá vội vã trong bước khởi đầu mà không có sự chuẩn bị đầy đủ về kiến thức cơ bản để chọn mua cho mình một tên miền đúng để định vị thương hiệu cá nhân hoặc tổ chức.
Trong phạm vi bài viết này tôi xin đưa ra 7 lời khuyên cơ bản cho việc chọn mua tên miền phù hợp với bạn!
1.Lựa chọn đuôi tên miền
Hiện nay có rất nhiều tên miền được mở rộng cho người dùng cá nhân đăng kí sử dụng, từ .com, .net, .info và .org cho đến .top, .photography, .online, .club và thậm chí .vip. Mỗi đuôi tên miền sẽ thích hợp cho từng nhu cầu sử dụng hay mục đích phục vụ của từng các website khác nhau.
Nói đến tên miền có 2 loại là tên miền Quốc Gia (có đuôi .vn) và tên miền Quốc tế(có đuôi .com, .net, .org, .biz, …). Nếu bạn muốn tìm hiểu chuyên sâu về cẩm nang tên miền Quốc gia và tên miền Quốc tế có gì khác biệt, tôi hẹn bạn ở seri bài viết kì tới! Ở đây tôi sẽ không đi sâu vào vấn đề này mà sẽ giới thiệu một số đuôi tên miền phổ biến để bạn có thể lựa chọn được tên miền phù hợp cho mình.
Một số đuôi tên miền phổ biến có thể kể đến như:
.vn – Đây là tên miền Quốc gia được cấp phát bởi trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC). Phù hợp cho mọi hoạt động kinh doanh, buôn bán, chia sẻ,
.com – Phù hợp cho mọi hoạt động kinh doanh, buôn bán, chia sẻ. Đây cũng là tên miền quốc tế lâu đời nhất và phổ biến nhất.
.biz – Dành cho các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh.
.edu – Dành cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.
.net – Dành cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực thiết lập và cung cấp dịch vụ trên mạng.
.org – Dành cho các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực cộng đồng, diễn đàn, chính trị, văn hóa xã hội.
.info – Dành cho các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực sản xuất phân phối, cung cấp thông tin.
Trên đây là một số đuôi tên miền phổ biến mà bạn có thể tham khảo. Việc còn lại của bạn là chọn một tên miền ưng ý nữa.
Có 1 điều mà có lẽ bạn cũng nên quan tâm, bạn đã bao giờ nghe đến việc độc quyền tên miền chưa nhỉ? Các doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh đều sử dụng cách này để sở hữu cho mình một tên miền độc quyền.
Đó là đăng ký tên miền với nhiều đuôi khác nhau; ví dụ như domain.vn, domain.com, domain.com.vn, … Việc này rất có ích cho việc khẳng định thương hiệu riêng của cá nhân cũng như tổ chức đấy nhé!.
Tại sao? Bạn thử hình dung nếu bạn chỉ sở hữu một tên miền .com chẳng hạn, khi đó đối thủ của bạn sẽ đăng ký tên miền của bạn với một đuôi khác ví dụ .com.vn hay .vn; nội dung ở đây sẽ liên kết tới trang của họ. Vì lý do đó bạn có thể bỏ lỡ một lượng khách hàng nhất định khi họ có thể truy cập tới những trang Web giống như bạn nhưng là .com.vn, hay .vn mà không phải là .com của bạn
2.Sử dụng các từ khoá để đặt tên miền.
Bằng cách sử dụng các từ khóa trong tên miền của bạn, bạn đang báo cho công cụ tìm kiếm những gì trang web của bạn muốn đề cập đến. Cùng với nội dung chất lượng và kinh nghiệm sử dụng của người dùng; từ khóa trong tên miền của bạn có thể giúp bạn có được những thứ hạng cao trên Google.
Việc chọn lựa tên miền với từ khóa phù hợp không phải là điều dễ dàng. Bạn sẽ cần phải sáng tạo và kết hợp các từ khóa của bạn với các từ khác để làm cho tên miền của bạn nổi bật.
Ví dụ: diadiemanuong.com, muabandienthoai.com hay tên miền kết hợp từ khoá như dienmayxanh.com, didongviet.vn
Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, tên miền chứa từ khoá dùng để SEO Web đã không còn nhiều tác dụng như xưa nữa. Google cũng đã không còn ưu tiên nhiều các Website có tên miền chứa từ khoá SEO như xưa nữa. Mọi tên miền đều trở lại bình đẳng, nên bạn cũng không cần quá bận tâm rằng tên miền của mình không chứa từ khoá cần SEO. Một dạng tên miền rất được ưa chuộng và phát triển ngày nay là tên miền thương hiệu riêng.
Bạn cần sáng tạo, bạn cần khẳng định vị trí, bạn muốn xây dựng nhận diện thương hiệu - hãy đọc ngay mục số 6 bên dưới và chọn cho mình 1 tên miền riêng theo dạng này. Vì nếu những điều bạn cần là dấu ấn, là khẳng định thương hiệu thì tên miền theo từ khoá SEO sẽ gây trở ngại cho việc phát triển Website, phát triển doanh nghiệp của bạn trong tương lai. Vì từ khoá SEO thường gói gọn trong 1 lĩnh vực, về sau doanh nghiệp, Website của bạn phát triển, bạn cần mở rộng thêm nhiều lĩnh vực khác nữa, tên miền từ khoá sẽ gặp hạn chế ngay.
3.Không đặt tên miền quá dài. Hãy chọn tên miền ngắn - dễ nhớ
Cái này chắc chắn không cần phải tranh cãi, tên miền ngắn gọn tạo thuận lợi trong ba khía cạnh vô cùng quan trọng:
- Dễ nhớ hơn
- Gõ nhanh hơn - gõ chính xác cao hơn
- Dễ dàng khi thiết kế nhãn hiệu - Logo
Sẽ ít ai có thể nhớ nổi một tên miền dài, không đặc trưng, khó đọc và khó nhớ. Vì vậy, thay vì mua những tên miền như vậy, các bạn nên nghĩ đến những tên miền ngắn gọn, dễ nhớ và đặc biệt có thể “găm” được vào trí nhớ của khách hàng lại càng tốt. Điều này cũng sẽ giúp bạn tiết kiệm được tối đa ngân sách tiếp thị bởi khách hàng sẽ nhớ ngay đến bạn bất cứ khi nào họ có nhu cầu, không nhất thiết chỉ là khi bạn tiếp thị, quảng cáo.
Chỉ nên chọn tên miền 2-3 âm tiết, dưới 15 ký tự và có những trọng âm vần điệu, dễ hình dung, thuận miệng để đọc và nhớ lâu. Ví dụ các kí tự cần có trong tên miền như: u,e,o,a,i.
4.Tên miền cần dễ đọc, dễ hình dung, dễ phát âm
Tên miền dễ đọc có ba tác dụng vô cùng quan trọng:
- Dễ gợi nhớ hơn
- Thường dễ gõ
- Dễ truyền miệng
Do đặc thù của tiếng Việt là chữ ghi âm, nên thường đã là tên có ý nghĩa là sẽ dễ đọc. Trường hợp khó đọc, khó phát âm hay xảy ra do:
>> Bạn sử dụng ngoại ngữ làm một phần tên miền hoặc toàn bộ tên miền như ví dụ về vnexpress.net
>> Bạn sử dụng các từ dễ nhầm lẫn chính tả hoặc các âm quá khó đọc khi đặt cạnh nhau
Trường hợp đầu tiên thì hay xảy ra hơn.
Hãy xem tên miền này: elle.vn
Nó thuộc nhóm tên miền vô cùng ngắn gọn, dễ gõ, nhưng khó phát âm để người khác chỉ cần nghe là biết chính xác tên miền như thế nào.
Tất nhiên vì Elle là thương hiệu tạp chí lâu đời có nguồn gốc từ Pháp nên không có chuyện họ sẽ đổi tên miền chỉ vì nó khó phát âm, và thực tế điều này cũng không nên.
Ví dụ nữa: esquirevietnam.com.vn
Tạp chí đàn ông phiên bản Việt này có tên miền gồm nhiều yếu tố không thuận lợi:
- Dài (có đến 15 ký tự)
- Khó phát âm (từ esquire), dẫn đến hệ quả khó nhớ
- Khó gõ (vì có từ s sau từ e, tạo thành dấu sắc). Dĩ nhiên khó nhớ cũng làm việc gõ càng khó khăn hơn
> Kết luận ở đây là bạn phải thận trọng khi đưa từ ngoại quốc vào tên miền dành cho người Việt.
Bạn sẽ có thể dễ dàng chia sẻ tên miền của bạn khi nói cũng như bằng văn bản. Bạn không biết khi nào bạn được yêu cầu chia sẻ tên miền của mình cho người khác đúng không?
Việc dễ phát âm và đánh vần rất giúp ích cho người dùng khi truy cập vào tên miền của bạn, và nó cũng sẽ rất dễ nhớ cho các lần truy cập sau.
Có một lưu ý mà theo tôi khá quan trọng ở phần này đó là: bạn hãy quan tâm đến thói quen gõ của khách hàng. Ví dụ: người Việt hay sử dụng bộ gõ Telex hoặc VNI để bỏ dấu cho các đoạn văn bản thường dùng hàng ngày. Do đó các bộ gõ thường tích hợp sẵn trong hệ thống và được chạy tự động, nên bạn cần cân nhắc tên miền của mình dự định đặt mua có khả năng Khách hàng vì thói quen gõ có khả năng dẫn đến hệ thống tự động bỏ dấu làm sai tên miền của mình hay không.
Ví dụ: bạn muốn đặt tên miền là bansach.com - thì hãy thử thao tác khi gõ tên miền của 1 khách hàng bình thường kết quả sẽ ra sao nhé, nó sẽ ra kết quả như sau: bấnch
5.Lưu ý kí tự đặc biệt và chữ số trong tên miền
Đừng bao giờ có ý tưởng đặt 1 dấu gạch nối (-) ở giữa các từ trong tên miền. Điều đó có thể đi ngược lại tiêu chí số 4 mà tôi vừa nêu ở trên. Điều này sẽ làm cho tên miền của bạn trở nên khó nhớ, khó hình dung và xác suất gõ sai tên miền khi khách hàng truy cập đến Website của bạn là rất lớn.
Một phần nữa là dấu gạch nối ở giữa các từ trong tên miền, tạo cảm giác như là tên miền rác, nên tốt nhất là đừng tạo cảm tưởng sai lầm trong tưởng tượng của khách hàng, chỉ vì một cái tên dễ gây hiểu nhầm.
Bạn hãy thử hình dung, bạn đặt tên miền là ban-sach.com, trong khi đối thủ cùng lĩnh vực của bạn là bansach.com, điều này sẽ khiến bạn mất một lượng lớn khách hàng vào tay đối thủ chỉ vì cái tên.
6.Tên miền thương hiệu
Bạn đã có thương hiệu riêng, hay bạn muốn phát triển thương hiệu mới, bạn biết thương hiệu của bạn là duy nhất, không bị lẫn vào đâu được. Lúc này bạn hoàn toàn có thể mạnh dạn, không chần chừ mà đăng kí ngay tên miền của bạn bằng tên thương hiệu của bạn và chọn đuôi tên miền là .com, .vn, hay .com.vn nữa là đã có ngay tên miền đẹp dành cho bạn.
Ví dụ rõ ràng nhất cho tên miền thương hiệu là: apple.com, sony.com, hp.com, hay cocacola.com, …..
7.Tên miền sáng tạo.
Bạn muốn chọn cho mình một tên miền riêng, đẹp theo các tiêu chí của bạn đưa ra. Nhưng khi tiến hành đặt mua, tên miền .com, tên miền .net, tên miền .com.vn ôi thôi không được như bạn mơ ước đâu…. Các tên miền đã bị người khác đặt mua hết, thậm chí họ còn mua các tên miền bạn dự định mua cách đây 5 năm, 10 năm cơ. Bạn hết cơ hội để sở hữu tên miền như mong ước?
Đừng lo lắng, bạn có thể sáng tạo tên miền của mình bằng cách thêm vào các kí tự vào trước hoặc sau tên miền dự định mua và kiểm tra lại xem, kết quả chắc chắn sẽ cải thiện nhiều hơn trước, lúc này hoàn toàn bạn có thể đặt mua những tên miền này, vẫn đẹp mà! Đúng không?
Ví dụ cho trường hợp này là: adayroi.com, acuong.com, hay afamily.vn chẳng hạn.
Hãy thoả sức sáng tạo và đặt ra cho mình 1 tên miền duy nhất để phát triển nó. Ví dụ rõ nhất cho trường hợp tên miền sáng tạo này là: Tiki.vn. Có thể nói không ai là không biết đến Tiki, với một nền tảng mua sắm trực tuyến uy tín, chất lượng hàng đầu. Nhưng chắc ít người biết tên miền của họ là cả 1 sự sáng tạo và vận dụng cách chơi chữ để cho ra đời 1 tên miền với tỉ lệ vàng như vậy. Tiki là viết tắt của chữ Tiết Kiệm. Bạn có đồng tình với tôi rằng chủ nhân của Tiki đã rất sáng tạo và áp dụng nghệ thuật chơi chữ để chọn cho mình 1 tên miền quá đẹp như vậy chứ? Còn tên miền của bạn thì sao!!!
Bài viết cũng khá dài, mình sẽ tạm dừng ở đây. Các chủ đề khác liên quan đến tên miền, mình sẽ cập nhật tiếp trong các bài viết kì sau. Hẹn gặp lại các bạn đọc ở kì tới.